Chiến công của Hàn Tín Chiến_tranh_Hán-Sở

Xem thêm: Hàn Tín

Diệt Nguỵ

Tháng 8 năm 205 TCN Lưu Bang phong Hàn Tín làm tả thừa tướng để đánh Ngụy. Vua Ngụy là Báo đem nhiều binh đến Bồ Bản chặn cửa sông Lâm Tấn. Hàn Tín dàn thêm nghi binh, bày thuyền bè như muốn vượt qua sông Lâm Tấn; nhưng kỳ thực dùng phục binh đi đường đất Hạ Dương, dùng thùng gỗ để cho quân vượt qua sông, đánh úp lấy đất An Ấp. Ngụy Vương Báo cả sợ vội đem binh quay về An Ấp đón đánh Tín nhưng không lại, bị bại nặng do hai cánh quân An Ấp và Lâm Tấn cùng tiến đánh. Hàn Tín liền bắt Báo cầm tù, bình định đất Ngụy, lập thành quận Hà Đông.

Ngụy Báo bị giải về Huỳnh Dương, chịu thần phục Lưu Bang nhưng bị giữ lại không được về cai trị ở Ngụy nữa.

Bình định Đại, Triệu, thu hàng nước Yên

Hán Vương sai Trương Nhĩ cùng với Hàn Tín đem binh sang Đông đi đánh nước Triệu, nước Đại. Đại vương Trần Dư ở lại Triệu giúp Triệu Yết nên để thủ hạ là Hạ Duyệt làm thừa tướng trông coi.

Tháng 9 nhuận năm 205 TCN[9], Hàn Tín phá quân nước Đại, bắt được Hạ Duyệt ở đất Ứ Dự. Sau khi Tín lấy được nước Nguỵ phá được nước Đại, Hán Vương liền sai người thu tinh binh của Tín đem đến Huỳnh Dương để chống Sở.

Hàn TínTrương Nhĩ cầm vài vạn quân mới mộ đi đánh Triệu. Vua Triệu và Trần Dư nghe tin quân Hán sắp tới, bèn tụ tập quân ở Tỉnh Hình. Lý Tả Xa khuyên Trần Dư cố thủ, chia quân đánh chẹn đường vận tải lương của quân Hán và để cứu ứng lẫn nhau, nhưng Dư không nghe.

Hàn Tín sai người sang thám thính, biết mưu của Lý Tả Xa không được dùng, bèn đem quân thẳng xuống. Nửa đêm truyền lệnh xuất phát. Tín chọn 2000 quân kỵ trang bị nhẹ, đi theo đường tắt lén lút sang nói theo dõi quân Triệu.

Còn đại quân thì Hàn Tín sai một vạn người đi trước bày trận quay lưng ra sông, đó là cách bầy trận tối kỵ. Quân Triệu ở xa nhìn thấy coi thường.

Quân Triệu mở cửa lũy, đánh nhau to. Hàn Tín, Trương Nhĩ vờ bỏ cờ trống chạy đến đạo quân gần sông. Đạo quân gần sông rẽ ra, đón lấy họ, rồi quay lại chiến đấu dữ dội. Quân Triệu quả nhiên bỏ thành ra tranh lấy cớ trống của quân Hán, đuổi theo Hàn Tín, Trương Nhĩ. Sau khi Hàn Tín, Trương Nhĩ đã nhập vào đạo quân ở gần sông thì quân Hán đều liều chết chiến đấu không thể nào đánh bại được. Hai nghìn quân kỵ mà Tín đã cho đi từ trước chờ đến khi quân Triệu bỏ lũy trống để đuổi theo để lấy cờ trống của Hán, liền ruổi nhanh vào trong thành, nhổ tất cả cờ xí của Triệu để dựng hai nghìn lá cờ đỏ của Hán. Quân Triệu đã không thắng không bắt được quân của Tín, muốn quay trở về đồn, nhưng trong thành toàn là cờ đỏ của Hán thì cả sợ, cho rằng quân Hán đã bắt được tướng của Triệu Vương rồi. Quân sĩ hỗn loạn bỏ chạy. Tướng Triệu chém cũng không ngăn được. Quân Hán hai bên áp lại, phá tan quân Triệu, chém Trần Dư trên sông Chi Thủy, bắt Triệu Vương Yết và Lý Tả Xa.

Hàn Tín theo lời khuyên của Lý Tả Xa, cho sứ sang dụ hàng nước Yên. Vua Yên Tang Đồ theo hàng Hán. Tín lại sai sứ báo với Hán vương, xin lập Trương Nhĩ làm Triệu Vương để cai trị và vỗ về nước này. Vua Hán ưng thuận, bèn lập Trương Nhĩ làm Triệu Vương

Lưu Bang khốn đốn, cướp quân Hàn Tín

Nước Sở mấy lần sai kỳ binh vượt qua sông Hoàng Hà đánh giành lại Triệu. Triệu Vương Trương NhĩHàn Tín đi đi lại lại vừa chống quân Sở, vừa bình định nốt các thành ấp ở Triệu và điều binh đến giúp Hán Vương.

Trong khi Hàn Tín liên tục thắng trận thì Lưu Bang lại liên tiếp bại trận. Hạng Vũ dồn đại quân vào vây đánh Lưu Bang ở Huỳnh Dương. Hán vương xây đường ống ra đến Hoàng Hà để lấy thóc ở Ngao Thương, chống nhau với Hạng Vương hơn một năm. Hạng Vương mấy lần đưa quân cướp đường ống của Hán, quân Hán thiếu lương thực. Hạng Vũ vây quân Hán. Hán vương xin giảng hòa và cắt đất từ Huỳnh Dương đến phía tây cho Hán, nhưng Hạng vương không nghe.

Lưu Bang bèn dùng kế của Trần Bình, cho Trần Bình bốn vạn cân vàng để ly gián vua tôi Sở. Sứ giả nước Sở mắc mưu Trần Bình nên đưa tin sai cho Hạng Vũ. Do đó, Hạng Vũ nghi ngờ quân sư Phạm Tăng, người được Hạng Vũ tôn là Á phụ. Phạm Tăng khuyên Hạng Vũ lấy Huỳnh Dương nhưng khi thấy mình bị ngờ vực bèn nổi giận, cáo bệnh, xin về hưu. Khi chưa về đến Bành Thành thì chết. Quân Sở tổn thất một mưu tướng giỏi.

Quân Hán bị cắt đứt đường lương thực, rất nguy cấp, Lưu Bang sai Kỷ Tín đóng giả mình, ngồi xe vàng giả cách ra đầu hàng để lừa quân Sở. Quân Sở cùng nhau chạy đến phía đông thành để xem vua Hán. Nhờ vậy, Lưu Bang thoát ra cửa tây với vài chục quân kỵ và bỏ trốn, nhưng vẫn để Chu Hà, Ngụy Báo, Hàn vương Tín và Tung Công ở giữ Huỳnh Dương. Các tướng và binh sĩ không đi theo được đều ở lại trong thành. Chu Hà và Tung Công giết Ngụy Báo vì Báo từng phản Hán. Lưu Bang chạy thoát, gặp được Anh Bố, cùng vào Thành Cao.

Lúc đó, tướng cầm quân ở Lương là Bành Việt đã theo Hán, vượt qua sông Tuy Thủy đánh tan quân Sở, lấy Hạ Bì. Hạng Vũ đang muốn truy kích Lưu Bang lại phải đem binh về hướng đông đánh Bành Việt. Sau khi đánh quân Bành Việt thua chạy, Hạng Vũ lại đem binh về hướng tây phá được thành Huỳnh Dương, bắt sống cả Chu Hà, Tung Công và Hàn vương Tín. Chu Hà và Tung Công không chịu hàng nên bị giết, Hàn vương Tín bị giam.

Hạng vương lại kéo tới bao vây Thành Cao rất gấp. Tháng 6 năm 204 TCN, Lưu Bang không chống nổi, bỏ thành vượt vòng vây ra khỏi Thành Cao, vượt qua sông Hoàng Hà, chỉ có một mình Hạ Hầu Anh cùng đi, tới địa phận do Trương Nhĩ và Hàn Tín cai quản.

Đến nơi, sáng sớm, Lưu Bang trá xưng là sứ thần nhà Hán, phi ngựa vào trong thành Triệu. Trương Nhĩ, Hàn Tín chưa dậy, Lưu Bang vào trong phòng ngủ, cướp ấn tín và binh phù, dùng cờ mao để triệu tập các tướng, thay đổi chức vị các tướng mà Trương, Hàn đã sắp đặt. Tín và Nhĩ thức dậy, mới biết là Hán Vương đã đến. Lưu Bang sau khi đoạt quân của hai người liền ra lệnh cho Trương Nhĩ giữ lấy đất Triệu, phong Hàn Tín làm tướng quốc, thu gom quân ở Triệu đi đánh Tề.

Phá Tề, diệt viện binh Sở

Tín đem quân sang đánh Tề, chưa vượt qua bến sông Bình Nguyên thì nghe tin sứ thần của Hán Vương là Lịch Tự Cơ đã thuyết phục được nước Tề đầu hàng. Hàn Tín muốn dừng lại. Mưu sĩ Khoái Triệt bàn với Hàn Tín nên đánh úp lấy Tề, không nên để công trạng rơi vào tay của Lịch Tự Cơ. Tín cho là phải, theo kế của Triệt, mang binh vượt qua sông Hoàng Hà.

Nước Tề đã nghe lời Lịch Tự Cơ chấp thuận hàng Hán nên không phòng bị. Tín nhân đó đánh úp quân Tề ở Lịch Hạ và kéo thẳng đến kinh thành Lâm Tri. Vua Tề là Điền Quảng cho rằng Lịch Tự Cơ lừa mình nên nấu Lịch Sinh trong vạc dầu rồi trốn đến đất Cao Mật, sai sứ đến nước Sở để cầu cứu. Sau khi đã bình định Lâm Tri, Hàn Tín đuổi theo Tề vương Quảng đến đất Cao Mật. Hạng vương sai Long Thư làm tướng, đem quân đến cứu Tề. Điền Quảng cùng Long Thư hợp quân để đánh nhau với Tín.

Long Thư không nghe theo lời khuyên nên án binh đi kêu gọi dân Tề phản Hán ở các thành mà nóng vội bày trận hai bên sông Tuy Thủy để đối đầu. Hàn Tín đang đêm sai người làm hơn một vạn bao đổ đầy cát chặn lấy thượng lưu dòng sông. Sau đó Tín đem quân qua nửa chừng đánh Long Thư, giả vờ thua, quay lưng bỏ chạy về. Long Thư mắc mưu đuổi theo qua sông. Hàn Tín cho người phá các bao đựng cát, nước sông chảy ào ào, đại quân của Long Thư quá nửa không qua được. Long Thư và số quân bên này ít ỏi bị cô lập, quân Tín liền xốc tới đánh gấp, giết chết Long Thư. Bộ phận quân của Long Thư bên kia sông thấy tướng chết bỏ chạy toán loạn. Tề vương Quảng chạy trốn. Hàn Tín liền mang quân đuổi theo đến đất Thành Dương, bắt sống tất cả lính Sở.